Ngày 4/3, tại Hà Nội, Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng đã chủ trì buổi giao ban điều hành sản xuất kinh doanh (SXKD) thường kỳ về kết quả SXKD tháng 2, 2 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch, nhiệm vụ tháng 3/2024; đồng thời cập nhật mục tiêu, giải pháp thực hiện các nhiệm vụ của năm 2024.
Cùng dự buổi họp giao ban có các đồng chí trong HĐTV, các đồng chí Phó Tổng Giám đốc, lãnh đạo các Ban: Kinh tế Đầu tư, Tài chính Kế toán, Kiểm soát nội bộ,…
Toàn cảnh buổi họp
Năm 2024, kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi các động lực tăng trưởng như xuất khẩu, tiêu dùng cuối cùng, sản xuất công nghiệp, đầu tư tư nhân phục hồi chậm, chất lượng tăng trưởng chưa cải thiện; hoạt động doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, tín dụng tăng chậm; Cơ cấu lại nền kinh tế và các doanh nghiệp còn chậm và yếu kém.
Ngành dầu khí cũng đang gặp phải nhiều khó khăn khi chịu tác động từ biến động và căng thẳng địa chính trị đang lan rộng tại các trung tâm năng lượng lớn trên thế giới, cung cầu và giá cả các sản phẩm năng lượng liên tục biến động.
Trong bối cảnh đó, Petrovietnam tiếp tục bám sát các mục tiêu quản trị, quyết liệt chỉ đạo các mặt hoạt động SXKD và đầu tư ngay từ những ngày đầu tháng, đầu năm; tập trung tháo gỡ, khắc phục khó khăn, tận dụng, khai thác tối đa các động lực, cơ hội, dư địa tăng trưởng, nỗ lực cao nhất để thực hiện các nhiệm vụ SXKD; song song đó là quản trị biến động, kiểm soát và quản trị rủi ro, sử dụng các công cụ tài chính: hạn mức và lãi suất, tận dụng thời điểm lãi suất vay ngắn hạn VND thấp, tái cơ cấu các khoản vay,… để tăng cường thanh khoản, dòng tiền khả dụng, bổ sung nguồn vốn lưu động, giảm chi phí vốn vay và duy trì chỉ tiêu cao về kế hoạch thu cổ tức lợi nhuận của các đơn vị…
Trong tháng 2/2024, các chỉ tiêu sản xuất của Petrovietnam chủ yếu đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức từ 0,2% – gấp 3,2 lần chỉ tiêu đề ra dựa trên kế hoạch quản trị.
So với tháng 1/2024, hầu hết các chỉ tiêu trong tháng 2/2024 đều giảm do số lượng ngày khai thác/sản xuất ít hơn. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2023, 4 chỉ tiêu vẫn ghi nhận mức tăng trưởng: Sản xuất xăng dầu tăng 11,7%; sản xuất Urê tăng 4,1%, sản xuất NPK tăng 88%; Polypropylen tăng 8,8%.
Về tài chính, tất cả các chỉ tiêu tài chính đều hoàn thành vượt mức kế hoạch tháng 2 từ 8% – 32%. So với cùng kỳ năm 2023, Tổng doanh thu toàn Petrovietnam tăng 16%; Nộp ngân sách nhà nước toàn Tập đoàn tăng 3%; Doanh thu hợp nhất tăng 16%.
Với nỗ lực sản xuất tối đa, tối ưu và nâng cao hiệu quả SXKD, trong 2 tháng đầu năm 2024, nhiều chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2023, như xăng dầu tăng 23,5%; sản xuất điện tăng 11,0%; LPG tăng 6,7%; Sản xuất đạm tăng 2,1%,… góp phần ổn định thị trường và đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế- xã hội đất nước.
Các chỉ tiêu tài chính của Tập đoàn 2 tháng đầu năm cũng đều hoàn thành vượt mức từ 16-26% kế hoạch, tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2023. Tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 145,4 nghìn tỷ đồng, vượt 26% kế hoạch, tăng 16% so với cùng kỳ; Nộp ngân sách toàn Tập đoàn ước đạt 20,1 nghìn tỷ đồng, vượt 16% kế hoạch, tăng 3,0% so với cùng kỳ. Đặc biệt, giá trị thực hiện đầu tư toàn Tập đoàn trong 2 tháng đầu năm tăng 58,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Dựa trên những kết quả đạt được trong 2 tháng đầu năm, Petrovietnam sẽ phấn đấu hoàn thành KHQT – QĐ 529 tháng 3 và Quý I/2024, dự kiến sẽ có 6 chỉ tiêu sản xuất hoàn thành kế hoạch quản trị bao gồm: sản xuất Urê; sản xuất điện từ NMĐ SH1; sản xuất xăng dầu; sản xuất LPG; sản xuất NPK; sản xuất Polypropylen.
Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng đánh giá cao nỗ lực của các đơn vị với những giải pháp kịp thời đã duy trì ổn định SXKD, đạt được nhiều chỉ tiêu tăng trưởng với khối lượng các công việc nhiều hơn so với cùng kỳ năm 2023, đồng thời mong muốn các đơn vị tiếp tục phát huy kết quả đạt được, vượt qua khó khăn, thách thức để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ được giao.
Trên tinh thần quyết tâm thực hiện kế hoạch đặt ra, Chủ tịch Tập đoàn chỉ đạo các đơn vị cần đảm bảo mục tiêu tăng trưởng nhờ làm mới động lực cũ và bổ sung động lực mới, cả hệ thống cùng đoàn kết thống nhất thực hiện nhiệm vụ chung.
Chủ tịch Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh, về các cơ chế định hướng cho E&P, phát triển các nguồn khí nhập khẩu, điện gió ngoài khơi,… HĐTV, Ban Chiến lược, Ban Kinh tế đầu tư cần phải nắm sâu, bám sát để triển khai và đồng bộ với mô hình quản trị, chiến lược của Tập đoàn. Bên cạnh đó, cần gấp rút đồng bộ hoá kế hoạch triển khai đề án tái cấu trúc theo đề án của Chính phủ. Ban Kiểm soát nội bộ cần tăng cường giám sát và triển khai các chỉ đạo của Thủ tướng để đồng bộ với kế hoạch của ban lãnh đạo Tập đoàn, đồng thời cải tiến công tác quản trị rủi ro, kiểm soát nội bộ đảm bảo mang tính định hướng và hướng tới tương lai.
Ban Kinh tế Đầu tư và Tài chính kế toán phải bám sát từng hoạt động của doanh nghiệp để phân tích về các yếu tố liên quan đến sản xuất kinh doanh, đảm bảo sản lượng; phân tích dịch vụ kỹ thuật, tập trung phát triển theo hướng tích hợp; báo cáo cơ cấu chi phí của các ngành nghề, dịch vụ thương mại; khôi phục ban chỉ đạo các dự án gặp khó khăn; đồng thời bổ sung, làm rõ nội hàm của các nghiên cứu khoa học dài hạn.