Ngày 12/9 tại Hà Nội, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã tổ chức Hội thảo “Xu thế phát triển thị trường carbon, đánh giá tác động và đề xuất lộ trình/giải pháp giảm khí nhà kính cho Petrovietnam”.
Tham dự hội thảo có Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng; Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng, cùng các Thành viên HĐTV, Phó Tổng giám đốc, lãnh đạo các ban chuyên môn Tập đoàn.
Tại hội thảo, đại diện Ban Chiến lược Tập đoàn và Ban Tìm kiếm Thăm dò Dầu khí đã trình bày báo cáo về công nghệ thu hồi, sử dụng, lưu trữ carbon (CCS/CCUS), các nghiên cứu, triển khai CCS/CCUS ở Việt Nam cũng như các định hướng triển khai CCS/CCUS cho Petrovietnam. Báo cáo cũng đưa ra các thông tin về việc triển khai các dự án CCS/CCUS trên thế giới, trong khu vực Đông Nam Á cũng như các giải pháp mà các công ty dầu khí trên thế giới đang triển khai nhằm giảm phát thải CO2 để hướng tới mục tiêu Net Zero.
CCS (Carbon Capture and Storage) là công nghệ thu hồi và lưu trữ carbon; đó là quá trình thu hồi CO2 từ các nguồn phát thải, sau đó được vận chuyển tới các điểm lưu giữ an toàn, lâu dài như các cấu tạo địa chất sâu dưới lòng đất, lòng biển… CCS bao gồm 3 khâu chính: Thu hồi, vận chuyển và lưu trữ carbon.
Đại diện Ban Chiến lược trình bày báo cáo tại hội thảo
Thực hiện chương trình chống biến đổi khí hậu và mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, Petrovietnam đang nỗ lực nghiên cứu các giải pháp chiến lược Chuyển đổi năng lượng xanh nhằm chuyển đổi các hoạt động và chuỗi giá trị của Petrovietnam theo hướng tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực dầu khí, cũng như mở rộng hoạt động sang lĩnh vực năng lượng mới và năng lượng tái tạo, thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon; phát triển công nghiệp khí hydro và phát triển điện gió ngoài khơi.
Trong đó, CCS được xem là một trong các biện pháp quan trọng để giảm phát thải khí nhà kính. Trong thời gian qua, Petrovietnam và các đơn vị như VPI, Vietsovpetro, PVEP… đã tích cực phối hợp với các đơn vị như Cơ quan An ninh Năng lượng và Kim loại Nhật Bản (JOGMEC) để nghiên cứu tiềm năng CCS tại các bể dầu khí Việt Nam. Qua quá trình triển khai hợp tác với JOGMEC giai đoạn 1, hai bên đã đạt được nhiều kết quả bước đầu. Hiện nay, tại Việt Nam, lĩnh vực điện và công nghiệp phát thải lần lượt 136 và 88 triệu tấn/năm. Trong đó, theo nghiên cứu đánh giá tiềm năng lưu giữ CO2 ở các bể trầm tích 186 triệu tấn, đủ để lưu giữ CO2 phát thải trong 831 năm. Đây là cơ sở để Petrovietnam tích cực triển khai các dự án CCS/CCUS trong tương lai nhằm bảo đảm thực cam kết trung hòa carbon trong Quy hoạch điện VIII được phê duyệt năm 2023.
Trưởng Ban Tìm kiếm, Thăm dò Dầu khí Trịnh Xuân Cường báo cáo tại hội thảo
Các đại biểu tham dự hội thảo cũng tích cực thảo luận, đề xuất các giải pháp triển khai các dự án CCS/CCUS trong thời gian tới; nghiên cứu, rà soát để xây dựng khung pháp lý, cơ chế chính sách cho các dự án lưu trữ carbon; đồng thời xây dựng chương trình đạo tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực CCS/CCUS; tăng cường hợp tác và chia sẻ kiến thức liên quan đến CCUS với cộng đồng CCS/CCUS thế giới và khu vực. Các đại biểu đều thống nhất ý kiến rằng việc giảm phát thải CO2 là xu hướng không thể đảo ngược, Petrovietnam cần tích cực, chủ động xây dựng lộ trình giảm phát thải, kế hoạch chiến lược cụ thể cho việc phát triển các dự án lưu trữ carbon trong tương lai.
Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng kết luận hội thảo
Kết luận hội thảo, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng đánh giá cao kết quả nghiên cứu của Ban Chiến lược, Ban Tìm kiếm Thăm dò Dầu khí cùng Viện Dầu khí Việt Nam đã cho thấy bức tranh tổng thể về CCS/CCUS và tiềm năng triển khai tại Việt Nam. Chủ tịch HĐTV Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh, với thế mạnh, tiềm năng, nguồn lực, Petrovietnam hoàn toàn có lợi thế và sẵn sàng, chủ động triển khai thực hiện các dự án CCS/CCUS trong bối cảnh giảm phát thải CO2 là xu hướng tất yếu.
Trong thời gian tới, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn đề nghị các bộ phận liên quan tiếp tục triển khai nghiên cứu, rà soát hoàn thiện báo cáo tiềm năng về lưu trữ carbon tại Việt Nam để từ đó Petrovietnam có cơ sở nghiên cứu, xây dựng chiến lược phát triển, lộ trình cụ thể cho việc triển khai CCS/CCUS. Bên cạnh đó, Chủ tịch HĐTV Hoàng Quốc Vượng cũng đề nghị các ban chuyên môn nghiên cứu đánh giá việc triển khai bơm ép CO2 nhằm tăng cường thu hồi dầu trong các mỏ đang khai thác, cũng như có các kiến nghị, đề xuất tới các bộ/ngành, cơ quan liên quan để xây dựng khung pháp lý triển khai cho các dự án này. Đồng thời, hoàn thiện báo cáo, kết quả nghiên cứu, phổ biến tới các đơn vị trong Tập đoàn để có thêm thông tin, định hướng triển khai trong thời gian tới.