Hà Giang, vùng đất địa đầu Tổ Quốc với những phong cảnh hùng vĩ đẹp đến nao lòng nhưng cũng vô cùng hiểm trở và cũng còn có rất nhiều khó khăn với đồng bào dân tộc thiểu số tại nơi biên cương xa xôi này.
Về nguồn tại Hà Giang – Ảnh: Trung Trực
Từ ngày 28/9 đến 01/10/2023, dọc theo con đường mang tên “Hạnh Phúc”, Công ty PVTS đã tổ chức cho CBNV Công ty thăm quan các địa điểm lịch sử gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của tỉnh Hà Giang. Con đường này là thành quả của sự nỗ lực, đoàn kết và hy sinh kể cả xương máu trong suốt hơn 5 năm, của hơn 1.300 thanh niên xung phong và hơn 1000 nhân công từ 16 dân tộc, cống hiến hàng triệu ngày công với những dụng cụ thô sơ như cuốc, xẻng, xà beng, búa tạ,…để đổi lấy huyết mạch cho sự phát triển của cả vùng Cao nguyên Đá, nơi có điều kiện thiên nhiên vô cùng khắc nghiệt, góp phần to lớn vào công cuộc thay đổi bộ mặt kinh tế-xã hội và cuộc sống của đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang.
Sông Nho Quế, đèo Mã Pì Lèng, hẻm vực Tu Sản, với chiều cao vách đá lên tới 900m, chiều dài hơn 1,7 km thuộc kiểu di sản kiến tạo địa mạo, di sản cổ sinh – địa tầng – cổ môi trường, cũng là nơi có Công trình Thủy Điện Nho Quế 1, được xây dựng để phát triển kinh tế, đời sống cho các đồng bào dân tộc là những địa danh nổi tiếng đoàn đã đi qua. Đặc biệt, với việc thăm quan, chào cờ tại “Cột Cờ Lũng Cú”, một biểu tượng thiêng liêng nơi địa đầu Tổ Quốc, tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết dân tộc cũng được gợi nhắc và truyền tải tới những thành viên tham gia.
Một số địa danh khác gắn liền với vẻ đẹp biên cương địa đầu Tổ quốc, với những đóng góp, hy sinh của chiến sỹ, đồng bào các thế hệ trong tỉnh Hà Giang cũng được đoàn tới thăm trong chuyến đi đầy ý nghĩa này.
Một số hình ảnh sinh hoạt nghiệp vụ của đoàn tại Hà Giang – Ảnh: Trung Trực