Trong suốt chiều dài lịch sử xây dựng và phát triển của ngành Dầu khí, dù gặp bất cứ hoàn cảnh khó khăn, thách thức nào, đội ngũ cán bộ, người lao động Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) luôn đóng vai trò là lực lượng nòng cốt, chủ lực, tiên phong của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) để đưa những dòng “vàng đen” lên mặt đất, góp phần ổn định nền kinh tế đất nước.
Khởi điểm từ các công ty Petrovietnam và Petrovietnam I thành lập vào năm 1988, trải qua nhiều giai đoạn phát triển, đến năm 2007, Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) chính thức được thành lập. Sự ra đời của PVEP chính là quyết định chiến lược của Petrovietnam nhằm tập trung nguồn lực trong lĩnh vực hoạt động cốt lõi ở khâu thượng nguồn để nâng cao tính chủ động và năng lực cạnh tranh. Đồng thời, hướng đến mục tiêu đưa PVEP trở thành công ty dầu khí quốc tế có khả năng điều hành hoạt động thăm dò khai thác ở cả trong và ngoài nước.
Với truyền thống 35 năm, các thế hệ “người đi tìm lửa” PVEP đã không ngừng nỗ lực, phát huy bản lĩnh, trí tuệ của người Dầu khí để vượt qua những gian khó, góp phần xây dựng ngành Dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ như ngày hôm nay.
Với truyền thống 35 năm, các thế hệ “người đi tìm lửa” PVEP đã không ngừng nỗ lực, phát huy bản lĩnh, trí tuệ của người Dầu khí để vượt qua những gian khó
PVEP bắt đầu công cuộc “tìm dầu” của mình khi trong tay chỉ có mỏ Tiền Hải C. Đến nay, PVEP đã cùng với các nhà thầu dầu khí tìm kiếm thăm dò trên 60 phát hiện mới với nhiều mỏ dầu khí khai thác ổn định, an toàn, hiệu quả như mỏ Sư Tử Đen, Sư Tử Vàng, Tê Giác Trắng, Hải Sư Trắng, Hải Sư Đen, Cá Ngừ Vàng… Tổng sản lượng khai thác của PVEP tại các dự án tham gia đạt 95 triệu tấn quy dầu (toàn dự án: 325 triệu tấn quy dầu), gồm 68 triệu tấn dầu và condensate (toàn dự án: 208 triệu tấn), 27 tỷ m3 khí (toàn dự án: 118 tỷ m3). Sản lượng khai thác dầu của PVEP chiếm khoảng 55% sản lượng khai thác toàn Tập đoàn.
Hiện tại, PVEP đang quản lý và điều hành 29 dự án dầu khí trong nước và 5 dự án dầu khí tại nước ngoài, trong đó vận hành khai thác 15 dự án ở trong và ngoài nước.
Từ năm 2014 trở lại đây, khi giá dầu sụt giảm nghiêm trọng kéo dài, đặc biệt trong giai đoạn 2019-2021, khủng hoảng kép từ dịch bệnh Covid-19 cùng giá dầu xuống thấp kỷ lục khiến việc vận hành khai thác các dự án dầu khí trong và ngoài nước của PVEP gặp nhiều ảnh hưởng, thậm chí gián đoạn. Cùng với việc suy giảm tự nhiên của các mỏ dầu khí, hoạt động dầu khí trên Biển Đông gặp nhiều trở ngại đã khiến cho PVEP rơi vào một giai đoạn cực kỳ thách thức trong việc đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh. Và mặc dù thị trường dầu khí năm 2022 đã có nhiều tín hiệu phục hồi sau đại dịch, PVEP vẫn tiếp tục đối mặt với hàng loạt các khó khăn thách thức trong việc triển khai hoạt động SXKD 2023.
Tuy nhiên trong những lúc khó khăn, ngặt nghèo như vậy, bản lĩnh, trí tuệ của người Dầu khí, của người PVEP đã được phát huy, sự đoàn kết, nỗ lực, chung sức, chung lòng của tập thể lãnh đạo, cán bộ, người lao động PVEP từ trong nước đến các dự án nước ngoài đã giúp “con tàu PVEP” vượt qua những cơn sóng dữ.
Ngày 8/2/2023, PVEP đã cán mốc tổng sản lượng khai thác 1 tỷ thùng dầu – một dấu mốc vẻ vang và là niềm tự hào của ngành Dầu khí. Đến hết tháng 11/2023, PVEP đã lần lượt về đích sớm các chỉ tiêu kế hoạch được giao. Trong đó, chỉ tiêu gia tăng trữ lượng về đích trước 50 ngày, sản lượng khai thác dầu khí quy đổi về đích trước 41 ngày, các chỉ tiêu tài chính về đích sớm từ 104 – 227 ngày. Ngày 30/11/2023, PVEP đã hoàn thành kế hoạch sản lượng dầu và condensate năm 2023, đây là chỉ tiêu về đích cuối cùng, đánh dấu mốc 14 năm liên tiếp PVEP về đích chỉ tiêu sản lượng khai thác từng năm. Đồng thời, khẳng định PVEP đã hoàn thành xuất sắc, về đích sớm tất cả các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh của năm 2023.
Chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến “Petrovietnam về đích sớm kế hoạch 2023, hiện thực hóa khát vọng tăng trưởng”, ông Hoàng Xuân Dương, Phó Tổng Giám đốc PVEP cho biết, kết quả của năm 2023 sẽ tạo áp lực phải duy trì sự ổn định cho năm 2024 và các năm tiếp theo. Năm 2023, PVEP đã chặn đứng được sự suy giảm, tuy nhiên, trong năm 2024 sẽ nặng nề hơn bởi quán tính sẽ càng nhiều hơn, cao hơn là áp lực lớn nhất để không bị tụt lùi.
Phó Tổng Giám đốc PVEP Hoàng Xuân Dương chia sẻ tại tọa đàm“Petrovietnam về đích sớm kế hoạch 2023, hiện thực hóa khát vọng tăng trưởng”
Để thực hiện mục tiêu duy trì sự ổn định, PVEP cũng đã xây dựng kế hoạch, tìm kiếm giải pháp cũng như những động lực phát triển mới trong năm 2024. Về thăm dò, PVEP sẽ đẩy mạnh công tác nghiên cứu để tìm kiếm vị trí, những nơi có thể đặt được giếng khoan thăm dò trong năm 2024 với mục tiêu gia tăng 4 triệu tấn trong năm 2024. Cùng với thăm dò, PVEP sẽ quyết tâm duy trì sản lượng khai thác trong năm 2024, tiếp tục có những giải pháp kỹ thuật chặn đà suy giảm sản lượng của các mỏ cùng với việc nâng được sản lượng từ những giếng cũ và bắt buộc phải sử dụng công nghệ mới trong vận hành khai thác cũng như nâng cấp các trang thiết bị để tăng sản lượng khai thác.
Phó Tổng Giám đốc PVEP Hoàng Xuân Dương cũng cho biết, bên cạnh các giải pháp kỹ thuật, PVEP cũng phải đẩy mạnh công tác đầu tư, bổ sung mỏ mới và đưa mỏ mới vào khai thác để đảm bảo khai thác tốt hơn cho những năm tiếp theo.
Hiện PVEP đang chuẩn bị triển khai, phát triển khai thác 7 mỏ để có thể bổ sung sản lượng khai thác trong năm 2024. Dài hạn hơn đó là cùng với Petrovietnam đẩy mạnh siêu dự án khí điện Lô B. Ngoài ra, PVEP mở rộng hợp tác với các đối tác nước ngoài để đẩy mạnh công tác đầu tư, bổ sung sản lượng khai thác cho năm 2024 và những năm sau.
Thành công của PVEP trong những năm qua là kết quả của trí tuệ, bản lĩnh của người Dầu khí, của sự đoàn kết, chung lòng, không ngại gian khó của tập thể “người đi tìm lửa” các thế hệ, tất cả vì mục tiêu chung là xây dựng và phát triển Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và xa hơn nữa là cho phát triển đất nước, đúng như slogan chung của Petrovietnam và PVEP là “Năng lượng cho phát triển”.